Kế toán là công việc ghi chép, thu nhận, xử lý và cung cấp các thông tin về tình hình hoạt động kinh tế tài chính của một tổ chức, một doanh nghiệp, một cơ quan nhà nước... cho lãnh đạo đơn vị, từ đó có những giải pháp quản lý phù hợp, thúc đẩy đơn vị ngày càng lớn mạnh.
Kế toán là gì?
Kế toán là một nghề đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực quản lý kinh tế. Từ quản lý ở phạm vi nhỏ (ở từng đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp) cho tới quản lý ở phạm vi lớn hơn (toàn bộ nền kinh tế quốc dân) đều cần đến kế toán.
Khi nào đạt được thành công trong quản lý kinh tế nhờ biết vận dụng những con số tưởng chừng rất khô khan nhưng nhiều ý nghĩa mà kế toán cung cấp, ta mới thấy được vai trò lớn lao đó.
Không ai biết chính xác tên gọi “kế toán” có từ bao giờ. Nhưng bạn có thể hiểu:
* Chữ “kế” ở đây có nghĩa là việc liệt kê, ghi chép những của cải, tài sản, hoạt động của đơn vị, tổ chức.
* Còn chữ “toán” có nghĩa tính toán, tức là tính ra các kết quả lao động mà con người đã đạt được.
Vậy kế toán có thể được hiểu một cách đơn giản là:
Kế toán là công việc ghi chép, thu nhận, xử lý và cung cấp các thông tin về tình hình hoạt động kinh tế tài chính của một tổ chức: một doanh nghiệp, một cơ quan nhà nước, một cửa hàng tư nhân...
Có thể chia kế toán thành hai loại:
- kế toán công
- kế toán doanh nghiệp.
Kế toán công là loại kế toán được tiến hành ở những đơn vị hoạt động không có tính chất kinh doanh, không lấy doanh lợi làm mục đích hoạt động như các tổ chức đoàn thể xã hội, các tổ chức nhà nước...
Kế toán doanh nghiệp là loại kế toán được tiến hành ở các doanh nghiệp, hoạt động với mục tiêu chính là kinh doanh sinh lời.
Một kế toán thực thụ luôn làm việc với các nguyên tắc
- Phù hợp
- Khách quan
- Tính nhất quán
- Thận trọng
- Nguyên tắc giá gốc
- Nguyên tắc trọng yếu
Kế toán làm việc ở đâu?
Là một nhân viên kế toán, bạn sẽ làm việc tại bộ phận kế toán của các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, công ty... thường được gọi là Phòng Tài vụ hay Phòng Tài chính kế toán, Ban Tài chính kế toán...
Mọi cơ quan, tổ chức nhà nước hay các công ty, doanh nghiệp ở bất kì lĩnh vực nào trong xã hội đều phải tiến hành công tác kế toán. (Điều này đã được quy định rõ trong Luật Kế toán nước ta).
Ngày nay, vai trò quan trọng của kế toán càng được khẳng định rõ nét hơn bao giờ hết. Tất nhiên, vai trò ấy cũng đặt ra những yêu cầu nhất thiết với một nhân viên kế toán giỏi giang, được ban lãnh đạo và đồng nghiệp tin cậy.
Do đặc điểm công việc, người làm kế toán một mặt phải hiểu biết pháp luật về kinh tế, tài chính; mặt khác phải nắm vững tình hình hoạt động kinh tế, tài chính của đơn vị mình.
Trên cơ sở đó, nhân viên kế toán báo cáo với lãnh đạo các đơn vị và đề xuất các giải pháp đúng đắn để hoạt động kinh tế, tài chính của đơn vị tuân thủ đúng pháp luật, đồng thời mang lại hiệu quả cao hơn.
Công việc của kế toán viên
Công việc của nhân viên kế toán là ghi chép, hệ thống hóa, xử lý và cung cấp thông tin về hoạt động kinh tế, tài chính của đơn vị, giúp nhà quản lý điều hành và quản lý hoạt động kinh tế, tài chính của đơn vị cũng như đề ra các quyết định quản lý kinh tế hợp lý.
Như vậy, công việc của nhân viên kế toán gồm những nhiệm vụ chính sau:
Thu thập thông tin về các hoạt động kinh tế, tài chính phát sinh ở đơn vị và chứng từ kế toán gồm các phiếu thu, chi, phiếu nhập kho, xuất kho v.v...
Ở mỗi đơn vị, ví dụ trong một doanh nghiệp có nhiều bộ phận khác nhau như: Phòng kinh doanh, bộ phận bán hàng, bộ phận vật tư... Các bộ phận này luôn thực hiện các hoạt động kinh tế, tài chính theo chức năng đã quy định. Mỗi hoạt động đó sẽ được ghi chép lại trong các giấy tờ mà kế toán gọi là chứng từ như phiếu thu, phiếu chi tiền mặt, phiếu nhập kho, phiếu xuất kho, hoá đơn bán hàng... Các chứng từ này sẽ được chuyển cho nhân viên kế toán xử lý.
Ghi sổ kế toán trên cơ sở phân loại, tổng hợp các chứng từ...
Sổ kế toán của đơn vị dùng để ghi chép tổng hợp các thông tin về tất cả các hoạt động kinh tế, tài chính của đơn vị. Ở mỗi đơn vị có nhiều sổ kế toán, mỗi sổ kế toán được sử dụng để ghi chép khác nhau.
Trên cơ sở các chứng từ thu thập được, nhân viên kế toán tiến hành phân loại, tổng hợp để ghi vào các sổ kế toán một cách chính xác.
Tổng hợp làm báo cáo kế toán.
Như bạn đã biết, công việc của nhân viên kế toán nhằm mục đích cuối cùng là cung cấp thông tin cho lãnh đạo đơn vị, trên cơ sở đó lãnh đạo đơn vị có thể đưa ra các giải pháp quản lý phù hợp nhằm thúc đẩy đơn vị ngày càng lớn mạnh.
Để thực hiện mục đích này, hàng tháng, hàng quý, năm, nhân viên kế toán phải tổng hợp số liệu từ các sổ kế toán đã ghi chép, lập thành các báo cáo gửi tới lãnh đạo đơn vị.
Thậm chí ở những đơn vị yêu cầu thông tin phải cập nhật thường xuyên thì kế toán phải làm báo cáo hàng ngày. Báo cáo của kế toán có nhiều loại khác nhau và được gọi chung là Báo cáo kế toán.
Một số địa chỉ đào tạo
Để có chứng chỉ hành nghề kế toán, bạn phải có bằng cấp về chuyên môn kế toán, có thời gian làm công tác kế toán từ 5 năm trở lên, ngoài ra còn phải vượt qua kỳ thi nhân viên kế toán của Hội đồng thi cấp Nhà nước do Bộ Tài chính tổ chức.
Hiện nay, hầu hết các trường đại học, cao đẳng hoặc trung cấp kinh tế tài chính đều đào tạo kế toán.
Bạn có thể học kế toán ở: Học viện Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Học viện Ngân hàng, Trường Đại học Thương mại, Khoa kinh tế Đại học Quốc gia Hà Nội, khoa kinh tế Đại học Quốc gia Tp. HCM v.v...
Điều kiện làm việc và cơ hội việc làm
Là một nhân viên kế toán, bạn sẽ làm việc tại bộ phận kế toán của các doanh nghiệp, tổ chức v.v...
Thời gian làm việc của kế toán viên thường theo giờ hành chính. Nội dung công việc kế toán ít thay đổi. Nghề kế toán khá ổn định nhưng không có nghĩa là đơn điệu hay nhàm chán. Công việc đòi hỏi bạn phải bám sát, áp dụng các chế độ chính sách mới của Nhà nước cũng như các quy định mới của đơn vị về quản lý kinh tế, tài chính. Tức là công việc này cũng rất cần sự năng động, ham học hỏi để tiếp thu những cái mới, tham mưu cho lãnh đạo để đơn vị hoạt động ngày càng hiệu quả.
Mọi đơn vị ở bất cứ lĩnh vực nào trong xã hội đều phải tiến hành công tác kế toán (điều này đã nêu rõ trong Luật Kế toán nước ta). Bởi vậy, nhu cầu về kế toán viên luôn rất lớn.
Theo thống kê (từ năm 1995 đến 2003), mỗi năm nước ta có gần 2000 doanh nghiệp mới được thành lập. Theo mục tiêu của Chính phủ, đến năm 2010, nước ta phấn đấu có khoảng 500.000 doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp tính trung bình cần từ 4 đến 6 nhân viên kế toán làm việc. Quả là một con số không nhỏ!
Nguồn: http://huongnghiepvietnam.vn/